LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN NAM

SOUTH VIETNAM GEOLOGICAL MAPPING DIVISION

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam và đón nhận Huân chương lao động hạng ba

05 Tháng Sáu 2017
Ngày 20 tháng 11 năm 2015, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (LĐBĐĐCMN) đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (22/11/1975-22/11/2015)- Đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tặng và đón nhận Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại buổi lễ Liên đoàn đã vinh dự nhận được thư và lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT. Đến dự buổi Lễ Kỷ niệmcó đồng chí Nguyễn Linh Ngọc, Ủy viên ban cán sự, Thứ trưởng Bộ TN & MT và Môi trường; đồng chí Nguyễn Văn Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ TN & MT, đồng chí Đỗ Cảnh Dương, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổngcục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; đồng chí Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và tuyên truyền, Bộ Tài Nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Thành Vạn, nguyên phó Cục trưởng Cục Địa chất VN; đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ TN & MT; đồng chí Trần Văn Thận, nguyên Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ TN & MT; văn phòng, các vụ, cục, các đơn vị trực thuộc Tổng cục ĐC & KS VN; các đơn vị thuộc Bộ TN&MT tại thành phố Hổ Chí Minh; các sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản ở miền Nam; GS.TSKH. Tống Duy Thanh - Nhà giáo Nhân dân, ủy viên Hội Địa tầng Quốc tế; các đồng chí lãnh đạo Tổng hội Địa chất Việt Nam, Hội Địa chất thành phố Hồ Chí Minh; các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí, phát thanh và truyền hình tại thành phố Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, các vị khách và các bạn đồng nghiệp đã gắn bó với Liên đoàn trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Về phía Liên đoàn có đồng chí Thái Quang, Bí thư Đảng uỷ, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam; các đồng chí nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn: Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Bao, Nguyễn Văn Trang, Cát Nguyên Hùng; cùng các đồng chí phó Liên Đoàn trưởng, nguyên phó Liên Đoàn trưởng, các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc cùng toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động các thế hệ đã và đang công tác tại Liên đoàn.

Đại biểu đến tham dự lễ kỷ niệm

Lễ kỷ niệm là dịp để tôn vinh và ôn lại quá trình xây dựng phấn đấu, trưởng thành của rất nhiều các thế hệ những người làm công tác địa chất đã lập nên những thành tích xuất sắc, làm vẻ vang cho Liên đoàn trong suốt 40 năm qua, khơi dậy ý chí, nghị lực và thắp sáng thêm ngọn lửa cho những người làm địa chất trẻ hôm nay tiếp tục kế tục sự nghiệp mà cha anh đã để lại, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Trong không khí trọng thể của buổi lễ, đồng chí Thái Quang – Bí thư Đảng ủy, Liên Đoàn trưởng đã trình bày diễn văn ôn lại quá trình hình thành và phát triển và đánh giá những thành tựu đạt được của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam qua 40 năm.

 

Đ/c Thái Quang – Bí thư Đảng ủy, Liên đoàn trưởng đọc diễn văn hội nghị

Từ Liên đoàn Địa chất 6 đến Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam

Ngày 22 tháng 11 năm 1975, Hội đồng Chính phủ có Quyết định thành lập Liên đoàn Địa chất 6 trên cơ sở Đoàn Địa chất B2 và lực lượng bổ sung từ các đơn vị địa chất ở miền Bắc để triển khai công tác tìm kiếm - thăm dò địa chất đối với các khoáng sản rắn ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ (từ vĩ tuyến 12o40’ trở vào).

Ngày 01 tháng 8 năm 1984, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất ban hành Quyết định sáp nhập Phân viện Địa chất và Khoáng sản miền Nam thuộc Viện Địa chất và Khoáng sản, Đơn vị P 500, Đoàn Địa chất 204 thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất vào Liên đoàn Địa chất 6. Từ đó Liên đoàn có thêm chức năng, nhiệm vụ mới là nghiên cứu, điều tra đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 và tỷ lệ 1:50.000 trên toàn lãnh thổ miền Nam (từ đèo Hải Vân trở vào).

Ngày 25 tháng 2 năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 39/CT và ngày 17 tháng 3 năm 1989, Tổng Cục trưởng Tổng cục Mỏ và Địa chất đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-MĐC về việc sáp nhập Liên đoàn Bản đồ Địa chất II vào Liên đoàn Địa chất 6, lúc này nhiệm vụ chủ yếu của Liên đoàn là đo vẽ, lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản. Cũng từ thời điểm này hoạt động dịch vụ địa chất từng bước mở rộng.

Ngày 20 tháng 6 năm 1997, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định đổi tên Liên đoàn Địa chất 6 thành Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam.

Những thành tựu đạt được qua 40 năm

Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, dấu chân của những nhà địa chất Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam đã đến với mọi vùng đất miền Nam của Tổ quốc để điều tra, nghiên cứu lập bản đồ địa chất, tìm kiếm, thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Những ngày tháng hoạt động điều tra địa chất-khoáng sản trong điều kiện gian khổ, vất vả đã khắc sâu vào truyền thống tự lực tự cường, vượt khó tiến lên của Liên đoàn. Qua hoạt động của mình, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam đã có nhiều thành tựu to lớn đóng góp quan trọng với vai trò chủ lực, nổi trội trong sự nghiệp điều tra địa chất - khoáng sản ở miền Nam.

- Công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000

Công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 miền Nam Việt Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) được Liên đoàn Bản đồ thực hiện từ năm 1976 đến năm 1982. Năm 1978 công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 trên lãnh thổ miền Nam cũng  được thực hiện bởi các đoàn Địa chất 206; 20B và 204 thuộc Liên đoàn Bản đồ 2 (sau này được sáp nhập vào LĐBĐĐCMN) gồm các nhóm tờ Huế - Quảng Ngãi,  Kon Tum - Buôn Ma Thuột, Bến Khế - Đồng Nai, Đồng bằng Nam Bộ, được hoàn thành vào năm 1994. Đây là thành tựu lớn mà Liên đoàn đã đạt được trong giai đoạn đầu của công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản trên lãnh thổ miền Nam. Ngay sau khi đo vẽ 1:200.000 kết thúc, “Công trình Địa chất khoáng sản miền Nam Việt Nam” được tiến hành kịp thời nhằm thống nhất khung cấu trúc địa chất chung cho khu vực thể hiện trong “Báo cáo hiệu đính bản đồ địa chất khoáng sản miền Nam Việt Nam, tỷ lệ 1:200.000”, hoàn thành năm 1995.

- Công tác nghiên cứu chuyên đề sinh khoáng khu vực

Song song với công tác đo vẽ bản đồ địa chất 1:200.000, từ năm 1990 đến năm 2001 Liên đoàn còn thực hiện các chuyên đề nghiên cứu sinh khoáng khu vực. Tiêu biểu là: Nghiên cứu thành lập bản đồ sinh khoáng, dự báo khoáng sản đới Đà Lạt tỷ lệ 1:200.000; Nghiên cứu lập bản đồ sinh khoáng và dự báo khoáng sản địa khối Kon Tum tỷ lệ 1:200.000; Nghiên cứu kiến tạo và sinh khoáng Nam Việt Nam;Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và triển vọng đá quý miền Nam Việt Nam; Các kết quả nghiên cứu đã được đánh giá tốt, nhiều vùng dự báo triển vọng khoáng sản đã được sử dụng vào thực tiễn định hướng cho công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 và điều tra đánh giá khoáng sản tỷ lệ lớn hơn.

- Công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1: 50.000

Từ năm 1982, Nhà nước đã giao cho Liên đoàn công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Hiện nay trên diện tích các tỉnh miền Nam thuộc phạm vi hoạt động của Liên đoàn, diện tích đã được đo vẽ là 85.176 km2 (gồm 32 nhóm tờ), chiếm khoảng 51% diện tích của miền Nam Việt Nam, trong đó Liên đoàn  thực hiện 29 nhóm tờ. Hiện nay Liên đoàn đang thi công đo vẽ 3 nhóm tờ là Kông Chro, Kon Plong và Đèo Bảo Lộc.

Kết quả đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản đã phát hiện nhiều diện tích có khoáng sản triển vọng đã được chuyển sang thăm dò khai thác hoặc được khoanh định để điều tra, đánh giá tiếp theo, đồng thời là dữ liệu cơ sở quan trọng để xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch phát triển vùng, lãnh thổ của đất nước.

- Công tác tìm kiếm đánh giá và thăm dò khoáng sản

Trong điều kiện rất khó khăn khi miền Nam mới được giải phóng, với tinh thần vượt khó, Liên đoàn đã tìm kiếm đánh giá thành công các mỏ khoáng sản: Than nâu Đại Lào, Di Linh (Lâm Đồng); Than bùn U Minh (Minh Hải); Titan Hàm Tân, Chùm Găng (Bình Thuận); Cát thuỷ tinh Cam Ranh (Khánh Hoà); tìm kiếm đánh giá triển vọng cát trắng ven biển từ Hòn Gốm đến Vũng Tàu; Đá vôi Hà Tiên (Kiên Giang), Chà Và (Tây Ninh),đá vôi san hô Mỹ Tường (Ninh Thuận); Kaolin Pren, Trại Mát (Lâm Đồng),Bến Cát (Bình Dương); Sét bentonit, Puzơlan Gia Quy (Bà Rịa - Vũng Tàu);Bentonit Di Linh (Lâm Đồng); Diatomit Đại Lào (Lâm Đồng); Sét gạch ngói Đông Bến Cát (Bình Dương), Long Bình, Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh);  Bauxit Tân Rai Bảo Lộc (Lâm Đồng), Gia Nghĩa (Đắk Nông), Kon Plong (Kon Tum); Vàng Trà Năng (Lâm Đồng), Klang Bah, (Ninh Thuận); Thiếc Đa Chay (Lâm Đồng), Mati - Du Long (Ninh Thuận); Molybdenit Krong Pha (Ninh Thuận), Núi Sam (An Giang); Đá quý Đắk Tôn (Đắk Nông), Xuân Lộc (Đồng Nai); Chì-kẽm, bạc Gia Bạc (Lâm Đồng);phosphorit Hà Tiên (Kiên Giang);...

Các nhiệm vụ đã đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn cũng như nhu cầu khoáng sản của đất nước.

- Công tác điều tra địa chất đô thị

Liên đoàn cũng tham gia điều tra địa chất đô thị cho nhiều tỉnh, thành phố lớn như: Đà Nẵng - Hội An, Dung Quất - Vạn Tường, Tuy Hoà, Nha Trang, Buôn Ma Thuật, Phan Rang - Tháp Chàm, Đà Lạt - Bảo Lộc, Phan Thiết, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tân An, Long Xuyên, Vĩnh long, Mỹ Tho - Tiền Giang, Cần Thơ,Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cao lãnh, Sa Đéc, Châu Đốc, Rạch Giá - Kiên Giang, Hà Tiên, Cà Mau,…

Kết quả công tác nghiên cứu địa chất đô thị là cơ sở khoa học có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong công tác xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng các đô thị hiện nay.

- Thực hiện các dự án Chính phủ, Dự án mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu và các đề tài nghiên cứu khoa học

Liên đoàn tham gia đề án Chính phủ: Điều tra đánh giá tiềm năng sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu; Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam; Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng Urani Việt Nam;

Hiện nay Liên đoàn đang thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở đồng bằng Sông Cửu Long”. Kết quả góp phần hoàn thiện, nâng cao độ chính xác kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, để đề xuất một số giải pháp tổng thể để thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và dự báo các tai biến địa chất liên quan.

Ngoài các đề tài lớn tiêu biểu nêu trên Liên đoàn còn thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu khác như: Đề tài nghiên cứu trầm tích Neogen – Đệ tứ đồng bằng sông Cửu long; Phân vùng động đất nhỏ thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá hiện tượng nứt đất trên phạm vi các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Đắk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh phụ cận; nghiên cứu xác lập tổ hợp phương pháp địa vật lý hợp lý trong nghiên cứu cấu trúc không gian ngầm áp dụng thử nghiệm tại vài vị trí điển hình trong phạm vi TP. Hồ Chí Minh; Đánh giá hiện trạng, nguyên nhân sạt lở một số đoạn bờ sông Tiền, sông Hậu và biện pháp phòng tránh; Đánh giá tiềm năng chứa thiếc và kim loại hiếm các kiểu magma rìa lục địa tích cực Mesozoi muộn đới Đà Lạt,...

- Thực hiện hợp tác quốc tế

Liên đoàn luôn chú trọng mở rộng hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật, trang thiết bị, chuyên môn.Trước đây Liên đoàn từng hợp tác với các nước thuộc khối SEV trong thăm dò Bauxit Đắk Nông, Tân Rai; Hợp tác với Tiệp Khắc trong đo vẽ Bản đồ Địa chất 1:50.000 nhóm tờ Nha Trang - Phan Rang; Hợp tác với Liên Xô trong đo vẽ Bản đồ Địa chất 1:200.000 nhóm tờ Bến Khế - Đồng Nai; đo vẽ Bản đồ Địa chất 1:50.000 nhóm tờ Tam Kỳ- Hiệp Đức. Những năm gần đây, Liên đoàn hợp tác với công ty ARCO trong nghiên cứu magma xâm nhập Nam Việt Nam; Hợp tác với Nhật trong giải đoán ảnh vũ trụ đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác với Úc trong phương pháp nghiên cứu địa hoá tìm kiếm vàng vùng Trà Năng; Hợp tác với chuyên gia Trung Quốc về các phương pháp nghiên cứu cổ sinh - địa tầng.

- Sản xuất dịch vụ địa chất

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao theo kế hoạch, trong thời kỳ đổi mới, để tạo thêm việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương Liên đoàn đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ địa chất. Đây cũng là một hướng đi sáng tạo của Liên đoàn, là một biện pháp đảm bảo cho công tác nghiên cứu khoa học, đo vẽ bản đồ của đơn vị ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và đất nước. Trong khoảng 10 năm trở lại đây Liên đoàn đã ký và thực hiện hàng trăm hợp đồng, giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Các hoạt đông dịch vụ địa chất đa dạng từ đo vẽ bản đồ địa chất; lập báo cáo quy hoạch khoáng sản; quy hoạch vùng cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; điều tra tai biến địa chất, phân vùng nhỏ động đất; tìm kiếm, thăm dò khoáng sản; điều tra địa chất thủy văn - địa chất công trình; khảo sát thủy điện; trắc địa mỏ, lập bản đồ địa hình; thăm dò khai thác, thiết kế khai thác; tư vấn đánh giá tác động môi trường, phân tích các loại mẫu địa chất - khoáng sản…

Sản phẩm của hoạt động sản xuất dịch vụ địa chất của Liên đoàn được các khách hàng đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả.

- Công tác đào tạo

Trong 40 năm qua, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ được Liên đoàn quan tâm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cũng như đạo đức chính trị đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ quan trọng của Liên đoàn. Nhiều cán bộ tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước và nước ngoài để tiếp thu những tiến bộ mới về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Địa chất và Khoáng sản.

Với những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, Liên đoàn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì;  Huân chương Lao động hạng Ba cho Liên đoàn; Huân chương Lao động hạng Ba cho Đoàn Địa chất 604 và Đoàn Địa chất 204; Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đại đội tự vệ Đoàn Địa chất 604 và Đoàn Địa chất 602; Danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Nguyễn Xuân Bao; Truy tặng Huân chương chiến công hạng Ba cho Liệt sĩ Nông Văn Nhượng, cán bộ kỹ thuật Đoàn 604; Cùng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua và danh hiệu thi đua của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ...và trong lễ kỷ niệm này Liên đoàn được vinh dự được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba, cờ thi đua của Bộ tài nguyên và Môi trường.

Định hướng nhiệm vụ của Liên đoàn trong thời gian tới

Nhiệm vụ của Liên đoàn trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác lập bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:50.000; tìm kiếm đánh giá, thăm dò khoáng sản phần đất liền; điều tra cơ bản địa chất khoáng sản biển và hải đảo; nghiên cứu địa chất phục vụ cho các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch, thực hiện các hoạt động dịch vụ địa chất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và doanh nghiệp,... Giải pháp thực hiện là chú trọng tăng cường năng lực thiết bị và đổi mới công nghệ tiên tiến; tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu quả gắn với việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là hội nhập sâu rộng.

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc trao tặng Huân chương lao động hạng Ba cho Liên đoàn Bản Đồ Địa chất miền Nam.

Trong 40 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn gần đây (2010-2015), cán bộ viên chức và người lao động (CBVC&NLĐ) Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam đã liên tục phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản cùng các nhiệm vụ chuyên đề. Phần thưởng được Chủ tịch nước khen tặng hôm nay khẳng định vị thế, vai trò của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam trong ngành Địa chất Việt Nam. Có được những thành tích hôm nay ngoài những nỗ lực của tập thể CBVC&NLĐ Liên đoàn còn có sự quan tâm, chỉ đạo thiết thực của các cấp lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

 

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc trao tặng cờ thi đua cho Liên đoàn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đánh giá cao những thành quả mà Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam đạt được trong 40 năm qua. Liên đoàn đã tập trung mọi nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000; đặc biệt, đã chú trọng đến công tác thu thập tài liệu nguyên thủy, sử dụng có hiệu quả tổ hợp các phương pháp nghiên cứu, cải tiến quy trình, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại; bước đầu đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất và điều tra quy hoạch địa chất cho các ngành, các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đề nghị, phát huy truyền thống 40 năm, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam cần chú trọng tăng cường năng lực thiết bị và đổi mới công nghệ tiên tiến, tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu quả gắn với việc quy hoạch, đào tạo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hội nhập sâu rộng; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý đủ mạnh đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ và khẳng định mình trong công cuộc đổi mới hiện nay; quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; xây dựng chiến lược phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời, tập trung nhân lực, trí tuệ nâng cao chất lượng công tác đo vẽ bản đồ địa chất gắn với điều tra khoáng sản; đặc biệt là khoáng sản định hướng cho công tác đánh giá, thăm dò tiếp theo để làm cơ sở cho việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tham gia điều tra cơ bản địa chất khoáng sản biển và hải đảo; nghiên cứu địa chất phục vụ xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ địa chất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và doanh nghiệp… Từ đó, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT giao phó. 

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm

Đồng chí Đỗ Cảnh Dương – tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thay mặt Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Nguyễn Minh Quang đọc thư chúc mừng và ghi nhận: 40 năm qua, công tác lập BĐĐC và ĐTKS không ngừng được đẩy mạnh và đạt được thành quả to lớn. Trong điều kiện rất khó khăn khi miền Nam mới được giải phóng, với tinh thần vượt khó, Liên đoàn đã tìm kiếm đánh giá thành công các mỏ khoáng sản. Các nhiệm vụ đã đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn cũng như nhu cầu khoáng sản của đất nước. Thành quả của công tác lập BĐĐC và ĐTKS ở miền Nam Việt Nam có sự đóng góp to lớn của cán bộ công nhân viên Liên đoàn, với nhiều phát hiện địa chất, khoáng sản quan trọng,nhiều vùng quặng đã và đang được khai thác phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế, hoặc chuyển giao cho bước tìm kiếm, thăm dò, nhiều diện tích triển vọng khoáng sản đã được khoanh định để tiến hành điều tra bước tiếp theo đồng thời làm sáng tỏ lịch sử phát triển địa chất khu vực. Công tác đo vẽ  BĐĐC và ĐTKS tỷ lệ 1/50.000 cũng đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Nhiều công trình BĐĐC tỷ lệ 1/50.000  hoàn thành nộp lưu trữ Nhà nước được đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Tổng Cục Trưởng Đỗ Cảnh Dương thay mặt Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Nguyễn Minh Quang đọc thư chúc mừng

Chủ tịch Hội Địa chất TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hoa – nguyên trưởng phòng Kỹ thuật LĐBĐĐCMN phát biểu “Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng miền Nam, khi có quyết định thành lập Liên đoàn (22/11/2015)  với lực lượng cán bộ nòng cốt từ những đoàn Địa chất đi B tham gia đoàn giải phóng tiếp quản Sài Gòn, từ miền Bắc chi viện vào và lực lượng chuyên gia tại chổ đã cùng vai sát cánh tạo dựng và phát triển danh hiệu “Liên đoàn Địa chất 6” vang bóng một thời. Liên đoàn đã để lại bao công trình nghiên cứu địa chất, khoáng sản cho đến nay đã và đang đi vào cuộc sống, đóng góp tiền đề quan trọng cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản ở phía nam Tổ quốc. Việc ra đời loạt bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:200.000, 1:50.000 đã đóng góp vai trò không nhỏ cho quy hoạch thăm dò khai thác các loại hình khoáng sản khác nhau cũng như quy hoạch sử dụng đất đai, phòng chống tai biến địa chất”…

Phát biểu của chủ tịch hội Địa chất TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hoa

Phát biểu tại buổi lễ đồng chí Nguyễn Xuân Bao, nhà địa chất lão thành, Anh hùng Lao động nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn chia sẻ “Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng công việc điều tra địa chất ở miền Nam vẫn còn không ít công việc phải làm. Thế hệ già cả chúng tôi mới chỉ làm công việc khai phá thô ráp bước đầu và để lại vô số vấn đề địa chất và tài nguyên khoáng chưa được sáng tỏ. Chúng tôi hoàn toàn tin cậy vào thế hệ trẻ hiện tại và mai sau, nhờ được đào tạo tốt hơn, được tổ chức tốt hơn, được trang bị tốt hơn về kiến thức, kỹ năng và công nghệ ngày càng hiện đại, nhất định sẽ có đầy đủ năng lực giải quyết các vấn đề địa chất tài nguyên và môi trường thấu đáo hơn với tầm nhìn khoáng đạt nhưng không xa rời thực tế”.

 

Anh hùng lao động Nguyễn Xuân Bao phát biểu tại lễ kỷ niệm

 Thay mặt tập thể cán bộ, viên chức và ngươi lao động Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, đồng chí Thái Quang cảm ơn và tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo  của đồng chí Thứ trưởng, Tổng cục trưởng. Ý kiến chỉ đạo sẽ là cơ sở để Liên đoàn đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Thái Quang cũng tiếp thu và lĩnh hội những chia sẻ của Đồng chí Nguyễn Ngọc Hoa Chủ tịch hội Địa chất TP.HCM và những căn dặn của đồng chí Nguyễn Xuân Bao, suốt đời gắn bó tâm huyết với Địa chất Việt Nam và nhất là địa chất miền Nam đã thể hiện sự tin tưởng của thế hệ đi trước đối thế hệ hiện nay đang công tác tại Liên đoàn.

Kỷ niệm 40 năm thành lập, mỗi một cán bộ công nhân viên địa chất trong Liên đoàn hãy sống và công tác xứng đáng với quá khứ hào hùng của mình, đẩy mạnh thi đua công tác, nghiên cứu, học tập nhằm nâng cao trình độ góp phần đưa ngành Địa chất nói chung và Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam phát triển lên một tầm cao mới, góp phần xây dựng đất nước tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lãnh đạo Liên đoàn chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu.

Phòng Tổ chức - Hành chính

Để lại bình luận của bạn